Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 Đêm tưởng niệm “Phùng Há Bách Niên Nghiệp Tổ”(2009)

Go down 
Tác giảThông điệp
phuongloan
Admin
phuongloan


Tổng số bài gửi : 443
Join date : 28/01/2010
Age : 39

Đêm tưởng niệm “Phùng Há Bách Niên Nghiệp Tổ”(2009) Empty
Bài gửiTiêu đề: Đêm tưởng niệm “Phùng Há Bách Niên Nghiệp Tổ”(2009)   Đêm tưởng niệm “Phùng Há Bách Niên Nghiệp Tổ”(2009) Empty9/3/2010, 10:03 pm

Đêm tưởng niệm “Phùng Há Bách Niên Nghiệp Tổ”
Thanh Tùng - Việt Tribune

Nhằm tôn vinh tài năng và tâm sức đóng góp cho đời, cho nghề của nghệ sĩ Phùng Há, một số nhà tổ chức văn nghệ, các nghệ sĩ, ca sĩ hai miền nam và bắc Cali đã phối hợp tổ chức đêm tưởng niệm cây đại thụ của sân khấu cải lương tại rạp Star Performing Arts Center, Quận Cam với chủ đề “Phùng Há – Bách Niên Nghiệp Tổ”. Đêm diễn đầy kỷ niệm của những học trò cũ đối với người thầy hết lòng truyền nghề sân khấu, đồng thời, khán giả cũng được dịp xem lại những vai diễn để đời của cô Bảy Phùng Há qua diễn xuất của thế hệ tiếp nối tại hải ngoại. Sân khấu không chỉ ngập tràn lời ca, tiếng nhạc và những cành hoa trắng mà còn lung linh cái tình của truyền thống tôn sư trọng đạo và cả nước mắt của người trình diễn lẫn khán giả tri âm.


Nghệ sĩ Thành Được quỳ lạy trước di ảnh của nghệ sĩ Phùng Há, người đứng cầm chiếc gậy là MC Thanh Tùng.Photo Phương Tùng
Trước đêm diễn khoảng chín ngày, nghệ sĩ Lê Tín điện thoại cho tôi bày tỏ ý định thực hiện một đêm tưởng niệm bà Bảy Phùng Há tại Quận Cam. Tôi ủng hộ cả hai tay và khuyến khích Lê Tín nên mạnh dạn đứng ra tổ chức. Thế là chỉ trong vòng chín ngày ngắn ngủi, Lê Tín đã liên lạc được một số nhà tổ chức văn nghệ và anh chị em nghệ sĩ thành hình một ban tổ chức, và Lê Tín là người gánh vác mọi nhiệm vụ từ nội vụ cho đến ngoại giao, xin quảng cáo, lo kết hợp cả các chuyên viên âm thanh, màn ảnh, ban cổ nhạc, tìm và edit các video clips về nghệ sĩ Phùng Há.
Đêm tưởng niệm bắt đầu bằng đoạn phim tư liệu về cuộc đời nghệ sĩ Phùng Há (do hãng phim Phương Nam thực hiện năm 1993). Khán giả theo chân cô Bảy về thăm lại lò gạch cũ ở Mỹ Tho, nơi cô bé Trương Phụng Hảo xưa kia kiếm sống bằng công việc in gạch nhọc nhằn. Đoạn phim ghi lại hình ảnh cô Bảy tâm sự về các vai diễn được đánh giá cao như Lữ Bố trong “Phụng Nghi Đình”, như cô Lựu trong “Đời cô Lựu”. Khán giả bồi hồi khi xem đoạn bà Phùng Há thắp nhang trước phần mộ của soạn giả Năm Châu, người tình thủy chung trên sân khấu lẫn đời thường của bà, rồi thong thả bước đi một mình trong cô độc giữa những ngôi mộ của các đồng nghiệp sân khấu như chính cuộc đời bà sau bao năm cống hiến cho đời, cho nghề, cuối cùng, đi và về vẫn chỉ là một hình một bóng lẻ loi.
Kết thúc đoạn phim tài liệu, màn mở, hơn một chục sư cô ngồi xếp bằng trên sân khấu theo hình chữ V tụng kinh cầu siêu cho cô Bảy, vốn là một Phật tử thuận thành. Trên màn hình lớn được treo ngay giữa sân khấu là tấm ảnh nghệ sĩ Phùng Há do bạn Ngọc Anh từ trang web cailuongvietnam.com chụp lúc bà vừa qua đời trong chiếc áo dài mà bà yêu thích, tay cầm tràng hạt, gương mặt đẹp phúc hậu như đang bình yên trong giấc ngũ giữa những cành hoa hồng được rãi chung quanh.
Sau nghi thức tụng niệm của chư tôn đức ni, với tư cách là một trong hai người dẫn chương trình, tôi đã mời lần lượt các nhà tổ chức văn nghệ, các nghệ sĩ, soạn giả cải lương lên sân khấu phát biểu đôi lời về nghệ sĩ Phùng Há. Lần lượt, các nghệ sĩ Văn Chung, Bảo Quốc, bà bầu Thúy Uyển, soạn giả Yên Lang, ông Trần Đông Phương (đoàn Năm Châu), nghệ sĩ Quốc Thái (Giám đốc nhà hát Star Performing Arts Center), Mai Phương (Kịch đoàn hải ngoại), cô Mai Chân (đoàn Văn Lang), nghệ sĩ Kim Xuyên Lan và Hoài Trúc Linh (đoàn Thái Dương), ông Trung Quân (nhóm cổ nhạc Hoa Tình Thương), nghệ sĩ Minh Tâm (đoàn Thủ Đô), Trần Nhật Phong (Phượng Mai Entertainment) mỗi người trang trọng đặt những cành hoa hồng trắng lên vòng hoa vinh danh nghệ sĩ Phùng Há với lòng kính trọng và yêu thương.
Đêm diễn ghi dấu hai sáng tác vừa hoàn thành để kịp vinh danh cô Bảy Phùng Há của nghệ sĩ Chí Tâm gồm liên khúc lý qua phần trình diễn của các nghệ sĩ: Hương Huyền, Kiều Mai Lý, Y Phụng, Ngọc Anh, Dương Việt Trường và sáng tác của soạn giả Yên Lang với tiếng hát của: Tuấn Phong, Minh Hùng, Bình Trang và Liên Thảo.
Các trích đoạn cải lương ghi lại dấu ấn ca diễn được xem là “khuôn vàng thước ngọc” của cô Bảy xưa kia như “Vương Thúy Kiều”, “An Lộc Sơn”, “Tô Ánh Nguyệt” “Đời cô Lựu” và “Phụng Nghi Đình” nay tái diễn với những học trò cưng của bà như Phượng Liên, Phượng Mai, Bảo Quốc, Ngọc Đáng cùng với thế hệ nghệ sĩ trẻ tại hải ngoại hôm nay như: Lê Tín, Hồng Loan, Bình Trang, Tuấn Châu, Hoài Trúc Linh, Thu Hồng, Phượng Dung, Xuân Mỹ. Khán giả như được gợi nhắc về một Phùng Há lẫy lừng xưa kia với Thúy Kiều tài sắc truân chuyên, một võ tướng An Lộc Sơn oai phong nhưng hết sức đa tình, một Tô Ánh Nguyệt ngang trái giữa tình và hiếu, một cô Lựu nuốt nghẹn nước mắt vào tim trong suốt hai mươi năm “sống bên chồng mà luôn nghĩ tới một người chồng, sống bên con mà lòng luôn tưởng nhớ đến một đứa con”, hay một Lữ Bố tài hoa với trình thức vũ đạo tuyệt vời.
Sau video clip cô Bảy tâm sự với nghệ sĩ Phượng Mai, nhờ nhắn nhủ với nghệ sĩ Thành Được gởi về cho bà một cây gậy để bà chống vì tuổi già sức yếu, đi đứng khó khăn, tôi mang chiếc gậy ra sân khấu và mời nghệ sĩ Thành Được. Là học trò cưng và được bà yêu thương như con ruột, nghệ sĩ Thành Được đã khóc ròng trên sân khấu khi hướng về di ảnh được phóng lớn của thầy. “Lẽ ra con phải về với má. Lẽ ra con phải mang cây gậy này về, con nằm xuống cho má đánh con về tội không thể có mặt bên má lúc này. Con xin má nhận nơi con hai lạy thay cho tấm lòng của con.” Trong tiếng đàn não lòng, dưới ánh sáng chập chùng và hòa với nỗi xúc động nghẹn ngào của hàng trăm khán giả có mặt, Ông Vua không ngai của sân khấu cải lương quỳ xuống kính cẩn lạy di ảnh của thầy.
Nghệ sĩ Thành Được không nói nhiều về kỷ niệm với người thầy mà ông xem như mẹ ruột từ những ngày cộng tác với đoàn Thanh Minh- Thanh Nga. Dường như bao nhiêu xúc cảm chất chồng, ông dồn vào ba câu vọng cổ của bài “Hai mươi lăm năm làm thân viễn xứ” (soạn giả Viễn Châu) là tâm sự của chính ông, một nghệ sĩ sống xa quê hương ngót một phần tư thế kỷ mà chưa một ngày nào nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương và sân khấu cải lương. Khán phòng lặng nghe, sững sờ, và òa vỡ xúc động với tiếng hát vẫn còn ấm áp, sang trọng và ngọt ngào đầy phong độ của tướng cướp Thi Đằng thưở nào. Đây là tiết mục ấn tượng nhất và khiến khán giả khóc nhiều nhất trong đêm tưởng niệm.
Sau trích đoạn “Đời cô Lựu”, nghệ sĩ Phượng Liên nán đã lại trên sân khấu kể cho khán giả nghe về ơn cứu mạng của má Bảy. Khoảng năm 1974, lúc đó vào mùa Phật Đản, nghệ sĩ Phượng Liên được đưa đi cấp cứu trong bệnh viện tại Sài Gòn. Các bác sĩ bảo Phượng Liên bị sanh con ngoài dạ nên phải mổ khẩn cấp mới giữ được tính mạng. Lúc ấy, mẹ ruột đang ở Cần Thơ, còn chồng đang ở ngoài mặt trận, lấy ai chịu ký giấy bảo đảm để Phượng Liên lên bàn mổ? Má Bảy xuất hiện đúng lúc. Bà bảo với các bác sĩ rằng bà xem Phượng Liên như con đẻ, bà đồng ý ký tên bảo đảm thay cho mẹ ruột để Phượng Liên được mổ ngay, nếu chậm trễ e sẽ có nhiều rủi ro đáng tiếc. Nhờ sự nổi tiếng của một nghệ sĩ, cô Bảy đã thuyết phục được các bác sĩ. Ca mổ thành công. Nghệ sĩ Phượng Liên nước mắt lưng tròng khi nhắc lại ơn cứu mạng của má Bảy mà chị không bao giờ quên.
Riêng nghệ sĩ Bảo Quốc lên sân khấu kể về những kỷ niệm và công lao đóng góp của bà Bảy Phùng Há cho sự thành công của gánh hát Thanh Minh- Thanh Nga trong một thời gian dài. Nghệ sĩ vừa thực hiện thành công live show kỷ niệm nửa thế kỷ đứng trên sân khấu này bồi hồi nhớ lại lần viếng thăm cuối cùng của vợ chồng anh với má Bảy tại Chùa Nghệ sĩ ở Quận Gò Vấp vào năm ngoái sau khi đến thăm mộ nghệ sĩ Thanh Nga nhân lễ giỗ của cô. Ở lần cuối cùng ấy, theo lời nghệ sĩ Bảo Quốc, má Bảy vẫn trăn trở về hiện trạng cải lương, vẫn ra bộ mỗi khi nhắc về một vai diễn nào đó, vẫn thiết tha với việc làm từ thiện, và có lẽ do một linh cảm cho sự ra đi, má Bảy đã giữ chân vợ chồng Bảo Quốc ở lại với bà suốt hơn ba giờ đồng hồ, mà không muốn rời.
Mỗi nghệ sĩ là một kỷ niệm rất đẹp, rất đáng trân trọng với bà Bảy Phùng Há. Những câu chuyện đẹp về tài năng, nhân cách và đức độ của bà được chia xẻ với vẹn nguyên cảm xúc xen lẫn với các trích đoạn cải lương nổi tiếng đã khiến đêm tưởng niệm thật sự ấm áp tình nghệ sĩ với nghệ sĩ, tình nghệ sĩ và khán giả tham dự.
Ngay khi bài viết này lên khuôn, Lê Tín vừa email cho biết số tiền thu được (sau khi trừ chi phí tổ chức) từ sự đóng góp của các mạnh thường quân và khán giả trong đêm tưởng niệm sẽ do ca sĩ Y Phụng, con gái của cố nghệ sĩ Minh Phụng đích thân mang về Sài Gòn trao tận tay cho con em nghệ sĩ nghèo, mồ côi và neo đơn theo ý nguyện của cô Bảy, cũng như trích tiền giúp đỡ cho Chùa Nghệ sĩ và Viện dưỡng lão nghệ sĩ, chốn trú thân của những nghệ sĩ về chiều không nơi nương tựa mà đã có lúc nghệ sĩ Phùng Há mất nhà cửa, đã phải gọi xe chở đồ đạc đến sống tạm ở đây một thời gian.
Bên cạnh Quận Cam, nam Cali, ít nhất hai nơi khác cũng sẽ diễn ra đêm tưởng niệm bà Bảy: thành phố Sydney (Úc) cũng vào đêm 18 tháng 7 vừa qua và rạp Hưng Đạo, Sài Gòn vào tối thứ Sáu tuần này 24 tháng 7 với nhiều nghệ sĩ tên tuổi tham dự.[TH.T.]
Về Đầu Trang Go down
 
Đêm tưởng niệm “Phùng Há Bách Niên Nghiệp Tổ”(2009)
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Đêm tưởng niệm NSND Phùng Há tại Mỹ (07/2009)
» Lễ tưởng niệm NSND Phùng Há
» Lễ tưởng niệm NSND Phùng Há
» Thái Hậu Dương Vân Nga _ Tưởng niệm 36 năm ngày mất của Thanh Nga
» Bạch Xà tìm thảo linh chi

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: TIN TỨC & SỰ KIỆN (NEWS & EVENTS) :: Tin tức (News)-
Chuyển đến