Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 PHƯỢNG MAI-TIẾNG HÁT XUYÊN QUA CA KỊCH HỒ QUẢNG

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin



Tổng số bài gửi : 183
Join date : 28/01/2010

PHƯỢNG MAI-TIẾNG HÁT XUYÊN QUA CA KỊCH HỒ QUẢNG Empty
Bài gửiTiêu đề: PHƯỢNG MAI-TIẾNG HÁT XUYÊN QUA CA KỊCH HỒ QUẢNG   PHƯỢNG MAI-TIẾNG HÁT XUYÊN QUA CA KỊCH HỒ QUẢNG Empty30/1/2010, 9:55 pm

PHƯỢNG MAI – Tiếng Hát Xuyên Qua Ca Kịch Hồ Quảng ( Nguồn : Theo CDNTH- Hồ Trưòng An)

Tôi biết Phượng Mai khi xem cô diễn tuồng “Thoại Ba Công Chúa” chiếu trên Tivi. Cô đóng vai Thoại Ba, còn kép Thanh Tòng đóng vai Địch Thanh.
Có lẽ tôi thích Phượng Mai trên sân khấu Hồ Quảng hơn là trên sân khấu Tân nhạc. Các nghệ sĩ trẻ trung của ca kịch Hồ Quảng đã trưởng thành vào thập niên 60 gồm có Đức Phú, Bửu Truyện… (bên nam), Thanh Thế, Bobo Hoàng… (bên nữ). Còn lớp nghệ sĩ trưởng thành vào đầu thập niên 70 gồm có: Bạch Lê, Bạch Liên, Ngọc Đáng, Kim Mai, Phượng Mai… (bên nữ), Thanh Bạch, Đức Lợi, Hữu Lợi, Thanh Tòng… (bên nam). Trên sân khấu Hồ Quảng, Bạch Lê, Bobo Hoàng và Thanh Thế xuất sắc và huy hoàng nhất. Nhưng Phượng Mai tuy xuất hiện sau ba nữ nghệ sĩ này, nhưng cô đâu chịu lép vế một cách dễ dàng được. Cô là cháu ngoại của nữ nghệ sĩ Cao Long Ngà. Bà Cao vốn là nữ nghệ sĩ gạo cội của sân khấu hát bội cùng với các bà Năm Sa Đéc, Ba Út, Sáu Bê, Năm Đồ… hợp thành một lực lượng thượng thặng của nghệ thuật ca kịch cổ truyền này. Dù sao trong huyết quản Phượng Mai vẫn có giòng máu ca kịch luân lưu, cô phải có danh gì với nghệ thuật trình diễn chứ!

Trong vở “Thoại Ba Công Chúa”, Phượng Mai hợp cùng Thanh Tòng thành một cặp đẹp đôi trên sân khấu. Cả hai diễn tả tình yêu trong một màn trì níu nhau, quẫy lộn như rồng phụng quấn quít, coi như một màn vũ cực kỳ ngoạn mục. Tôi không hiểu nhờ những vai gì ngoài vai Thoại Ba Công Chúa mà Phượng Mai được báo chí tặng cho cái biệt danh Tiểu Lăng Ba? Lăng Ba là minh tinh điện ảnh Hương Cảng nổi danh trong thập niên 60,vào năm 1962 cô ta được bầu làm Ảnh hậu của Điện ảnh Á Châu. Riêng về Phượng Mai, trên sân khấu Hồ Quảng, cô được báo chí nhắc nhở đâu kém gì Bạch Lê hay Bobo Hoàng trước đó. Cô phải có một thành tích gì hiển hách nên mới có cái biệt danh Tiểu Lăng Ba kia. Lăng Ba đã có một thời làm Ảnh hậu Á Châu, thì Tiểu Lăng Ba Phượng Mai dù không thể là Nữ Hoàng của ca kịch cải lương nói chung thì cũng phải là một Kịch hậu của ngành Hồ Quảng.
Tôi không ngờ khi ra hải ngoại, Phượng Mai hát tân nhạc. Trước đó, trong cuốn băng hình của Trung Tâm Thúy Nga, cô đã thủ vai Lương Sơn Bá trong vở tuồng Hồ Quảng “Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài” bên cạnh Hương Lan trong vai Chúc Anh Đài. Tôi có xem cuốn băng hình này tại nhà nữ sĩ Huyền Châu. Nhưng tôi không ưa cái trò bắt đào giả kép, bắt kép giả đào, bày chuyện loạn xị càn khôn, làm trò âm dương điên đảo trong ngành kịch nghệ Trung Hoa. Cho nên tôi không ưa kép Mai Lan Phương giả gái đóng vai Bạch Trân Nương trong “Bạch Xà Thanh Xà”, Lăng Ba giả trai trong loại phim cổ trang. Tôi cũng không thích Phùng Há, Kim Chung đóng vai Lữ Bố trong tuồng “Phụng Nghi Đình”, không thích Bích Thuận đóng vai An Lộc Sơn trong “Trường Hận” và miễn cưỡng xem Bảy Nam đóng vai Triệu Tử Long trong “Triệt Giang Phò Á Đẩu”. Cho nên khi nhìn Phượng Mai đóng vai Lương Sơn Bá tôi không mấy khởi hứng. Từ đó, hình ảnh cô qua vai Thoại Ba Công Chúa dường như phai mờ trong tâm tư tôi.


Phượng Mai có khuôn mặt thanh tú và hiền hậu: sóng mũi thẳng dọc dừa, vầng trán cao khiết, cặp môi khi khép kín rất đẹp. Cái thô vụng lỗi lầm trên khuôn mặt cô là ở hai nét mày khi nhướn lên bên trái có dấu sắc, bên mặt có dấu huyền mà bạn bè tôi gọi là cặp chân mày Ái Tình (dấu sắc chữ Ái, dấu huyền chữ Tình). Ngoài ra khi cười, cô phơi bày nướu răng khá nhiều nên nụ cười không được duyên dáng mặn mà lắm. Dù có thần thái sáng lồ lộ, nhưng cô không linh hoạt như Hương Lan. Trên băng hình Paris By Night 16, cô có vẻ nhút nhát e thẹn, giọng nói hấp tấp và náo nức làm khán thính giả nghĩ rằng cô không tự chủ được khi phải nói chuyện trước mặt nhiều người. Vóc mình cô rất thanh, không cao không thấp, vai hơi xuôi nên cô mặc áo dài rất đẹp. Cô giữ dáng dấp thiếu nữ rất lâu nhờ vóc mình ấy. Phượng Mai hát tân nhạc, tôi chấp nhận ngay, dù tiếng hát cô nằm trong quỹ đạo các tiếng hát thời danh vào 5 năm chót của thập niên 60 và vào 5 năm đầu của thập niên 70. Phượng Mai hát những nhạc phẩm nổi danh nhưng không giá trị; đó là những nhạc phẩm nghèo nàn giai điệu và dễ hát, không lên cao quá, không xuống trầm quá, không có những chỗ hóc búa nhiêu khê. Tiếng hát của cô thanh tao và mềm mại, nhưng cũng không có gì đặc sắc. Bởi đó, cô pha vào giọng một chút âm hưởng buồn buồn của nhạc cải lương, cô nhấn vuốt giọng hát bằng cách nghiến một vài tiếng trong câu hát, bằng cách láy thật nhẹ ở tiếng cuối câu hát trước khi ngân nga. Đó cũng như cô nêm thêm gia vị hoặc mắm ruốc vào một nồi canh rau, rất hợp khẩu vị với những kẻ yêu mến thiết tha những cái quốc hồn quốc túy. Phượng Mai biết ngân nga vài lượn chứ không như Phương Đại, Phương Hồng Quế, Trang Thanh Lan ưa kép dài tiếng cuối của câu hát. Song chuỗi ngân nga của cô không rõ nét, được cái là nó khá mượt mà nên dễ nghe. Hồi Phượng Mai vào tuổi trăng tròn, giọng hát cô hơi lu vì lúc đó làn hơi cô hơi ngắn. Giờ đây, làn hơi cô khá phong phú nhưng không dũng mãnh, tiếng hát cô nẩy lóe âm vang ngọt ngào ở chót đuôi.
Môi trường các gánh hát bội và môi trường các gánh Hồ Quảng đã từng nuôi sống ông bà cha mẹ của Phượng Mai, của Bạch Lê, Thanh Bạch, Thanh Tòng… Họ đã ung đúc cô Tiểu Lăng Ba ca hát Hồ Quảng từ tấm bé. Cho nên tiếng hát tân nhạc của cô về sau này tuy có hơi huê dạng chút ít, nhưng vẫn là tiếng hát đôn hậu, với ý tình mộc mạc đơn sơ. Tiếng hát ấy có thể đưa tâm tưởng các khán thính giả đã từng hiểu rành mọi bộ môn văn nghệ trình diễn được trở về không khí ấm áp thân tình mà tôi vừa kể trên đây. Người được chứng kiến hay người được nghe kể lại không khí ấy cảm thấy tâm hồn mình gần gũi tâm hồn những người nghệ sĩ đã từng sống hoặc đã từng lui tới khu ấy, để nhận thấy mình yêu mến lớp người hiền lành tuy ít học mà có thừa tâm hồn đẹp lộng lẫy và trái tim mẫn cảm biết bao! Chính những nghệ sĩ ấy, những khán giả ấy mới làm lớn mạnh đất nước mình bằng thứ nghệ thuật đơn sơ nhưng đi sâu vào tâm hồn dân tộc của chúng ta.
Cùng với Phương Dung, Thanh Tuyền, Hoàng Oanh, Hương Lan, Phương Hồng Quế, Giáng Thu, Trang Thanh Lan, Chế Linh, Thanh Phong, Phương Đại… cô ca sĩ Phượng Mai đã đóng góp không nhỏ tiếng hát tâm tình cho kiều bào hải ngoại nặng lòng yêu đất nước, một khi cô tạm trả lớp vỏ Tiểu Lăng Ba cho ca kịch Hồ Quảng. Chúng ta đừng đòi hỏi ở cô kiến thức sâu rộng về âm nhạc nói riêng, về văn nghệ nói chung. Cô làm nghệ thuật bằng cả cuộc đời lăn lóc vào kinh nghiệm chứ không bằng kiến thức do sách vở cung cấp. Cô không có óc phân tích hoặc tổng hợp gì nhiều ở môi trường tân nhạc vốn là môi trường sinh hoạt mới mẻ của cô. Cô chỉ nhìn nghệ thuật ca tân nhạc bằng một trực giác thù thắng để tìm phương hướng trình diễn mới khi cô ra hải ngoại. Bởi vì ca kịch, điện ảnh Việt Nam không có môi sinh ở hải ngoại. Chỉ có tân nhạc mới giúp cho ca sĩ nuôi sống mà thôi. Cho nên nghe Phượng Mai hát tân nhạc, chúng ta phải niềm nỡ đón nhận cô, bởi vì bước chuyển nghề của cô khá ngoạn mục, bởi vì sự lột xác từ lối hát Hồ Quảng qua lối hát tân nhạc của cô đâu phải ít gian nan? Trong băng hình Thúy Nga 32 với chủ đề “Mùa Xuân Nào Ta Về”, Phượng Mai cùng hát với Duy Quang ca khúc “Chiều Tây Đô” của Lam Phương. Cô hiện thân là một thiếu nữ tóc xõa buông vai, áo lụa trắng mềm, quần sa-teng tuyết nhung đen, tay cắp nón lá. Mặt cô hiền dịu, lồ lộ thần thái băng thanh ngọc khiết. Còn trong băng hình Paris By Night 16, cô mặc áo lụa in những mặt tròn viền trắng, lớn cỡ cái dĩa lót đít tách cà-phê, cái thì màu tể hồng như ruột dưa hấu, cái màu ngọc thạch, cái màu hoàng yến, cái màu thúy cam, cái màu thúy lục… Áo này có tay ráp raglan màu ngà đồng một thứ lụa và cùng màu với cái quần. Cô đeo hoa tai nhận hột chuỗi sáng trắng, dây chuyền bướm nạm nhiều hột chuỗi tím, đen, đỏ…. Có lẽ màu áo quá diêm dúa, hình tròn không có duyên nên cái vẻ trong sáng trên khuôn mặt cô bị những màu sắc táo tợn ấy nhận chìm. Nhưng tiếng hát của cô lại đằm thắm và gợi cảm. Trong băng hình Paris By Night 16, cô hát bài “Biết Đến Bao Giờ” cũng của Lam Phương, cũng là bản dễ đi sâu vào cảm quan quần chúng. Tiếc thay! Nếu có ai hướng dẫn giỏi, Phượng Mai có thể vừa hát chung hàng ngũ với Phương Dung, Hoàng Oanh, Thanh Tuyền, Phương Hồng Quế, Trang Thanh Lan, mà cũng có thể trồi lên hàng ngũ hát với kỹ thuật khá vững chải hơn như Thanh Lan, Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Hạnh, Thái Hiền. Nếu được vậy, cô sẽ chọn lựa nhạc phẩm có phẩm chất hơn để hát.
Về Đầu Trang Go down
https://nsphuongmai.forumvi.com
 
PHƯỢNG MAI-TIẾNG HÁT XUYÊN QUA CA KỊCH HỒ QUẢNG
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» NS Phượng Mai : Nổi tiếng sớm nhờ ý thức làm nghề
» NS PHƯỢNG MAI-MÃI MÃI YÊU NGHỀ ,MỘT HỒ QUẢNG CHI BẢO - Trang(Tây Ninh)
» Phượng Mai - Còn đi tìm "Người tình Hồ Quảng" ở hải ngoại
» LIVE SHOW PHƯỢNG MAI (MỒNG 2 & 4 TẾT TÂN MÃO)
» NS Phượng Mai: Góp phần giữ tiếng thơm cho nghề

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: TIN TỨC & SỰ KIỆN (NEWS & EVENTS) :: Bài viết từ tạp chí ( Magazines Archive )-
Chuyển đến